Thời Hậu Đường Mã_Ân

Thời Hậu Đường Trang Tông

Năm 923, Lý Tồn Úc xưng là người kế thừa hợp pháp của triều Đường, lập ra triều Hậu Đường. Sau đó, Hậu Đường Trang Tông chiếm được kinh thành Đại Lương của Hậu Lương, Hậu Lương diệt vong. Các quân trước đó nằm dưới quyền kiểm soát của Hậu Lương nay chuyển sang nằm dưới quyền cai quản của Hậu Đường. Mã Ân hay tin Hậu Đường giành được chiến thắng, quyết định khiển kì tử là Nha nội Mã bộ đô chỉ huy sứ Mã Hy Phạm đến triều kiến, nộp ấn Hồng-Ngạc hành doanh đô thống, dâng bản ghi nguyên tịch của tướng lại.[24] Khi Mã Hy Phạm yết kiến Hậu Đường Trang Tông, Hậu Đường Trang Tông hỏi han về các sự kiện xảy ra tại Sở và cảm thấy ấn tượng. Trong khi muốn ca ngợi Mã Hy Phạm, Hậu Đường Trang Tông lại muốn gieo mầm nghi ngờ vào Cao Úc, ông ta nói với Mã Hy Phạm: "Ta thường nghe rằng một ngày nào đó Cao Úc sẽ đoạt lấy Hồ Nam. Nếu Sở vương có một nhi tử như người, sao Cao Úc có thể làm như vậy?"[4] Bất chấp nỗ lực ly gián của Hậu Đường Trang Tông, Mã Ân vẫn tiếp tục tín nhiệm Cao Úc.[3]

Mã Ân thu hút các thương nhân đến Hồ Nam bằng cách không thu thuế. Do thấy Hồ Nam có nhiều chì và sắt, ông nghe theo sách lược của Cao Úc mà dùng chì và sắt để đúc tiền, các thương gia xuất cảnh không thể dùng số tiền này được nên họ bắt buộc phải kiếm lời bằng cách trao đổi hàng hóa, do đó Sở trở nên giàu có đầy đủ. Cao Úc thấy dân cư Hồ Nam không có nghề trồng dâu nuôi tằm, vì thế mệnh cho dân nộp thuế bằng lụa thay vì tiền, do vậy mà trong vài năm, Sở trở thành một nơi sản xuất tơ lụa lớn.[25]

Năm 924, Hậu Đường Trang Thông cho Mã Ân kiêm Trung thư lệnh.[26]

Năm 925, Hậu Đường Trang Tông khiển hoàng tử là Ngụy vương Lý Kế Ngập (李繼岌) cùng đại tướng Quách Sùng Thao (郭崇韜) tiến công nước Tiền Thục của Vương Diễn. Khi hay tin Tiền Thục bị diệt, Mã Ân trở nên lo sợ, thượng biểu cho Hậu Đường Trang Tông, nói: Thần đã bắt đầu xây dựng một phủ ở chân Hành Sơn làm đất thối hưu, nguyện dâng ấn thụ để bảo toàn những năm lẻ còn lại. Hậu Đường Trang Tông hạ chiếu ủy dụ Mã Ân.[25] Mặc dù diệt được Tiền Thục, song bản thân triều Hậu Đường lại trở nên rối loạn và đến mùa hè năm 926, hoàng vị Hậu Đường về tay Lý Tự Nguyên, tức Hậu Đường Minh Tông.[27]

Thời Hậu Đường Minh Tông

Sau khi tức hoàng đế vị, Hậu Đường Minh Tông bổ nhiệm Mã Ân là Thượng thư lệnh. Trong khi đó, Cao Quý Hưng ngày càng có thái độ đối đầu với triều đình Hậu Đường, Hậu Đường Minh Tông quyết định khiển tướng Lưu Huấn (劉訓) tiến đánh Kinh Nam. Mã Ân khiển Hứa Đức Huân đem thủy quân hướng đến Kinh Nam, song dừng tại Nhạc châu. Lưu Huấn gặp trở ngại, Hậu Đường Minh Tông lại khiển Khổng Tuần (孔循) đến chiến tuyến để xem xét tình hình. Khổng Tuần khiển sứ ban an mã và ngọc đái cho Mã Ân, cũng thưởng y phục cho quân Sở, lôi kéo Mã Ân tham gia chiến dịch, yêu cầu Mã Ân gửi lương thảo cho quân của Lưu Huấn, song Mã Ân không thực hiện theo. Cuối cùng, Lưu Huấn buộc phải triệt thoái, Kinh Nam từ đó trở thành một nước độc lập trên thực tế.[27]

Năm 927, Hậu Đường Minh Tông phong Mã Ân làm Sở quốc vương.[27] Sau khi sách lễ sứ đến, Mã Ân bắt đầu kiến quốc, lập cung điện, thiết lập bá quan, giống như một Thiên tử, chỉ sửa đổi tên các chức quan để thể hiện sự tôn trọng với hoàng đế Hậu Đường: Hàn lâm học sĩ gọi là Văn uyển học sĩ, Tri chế cáo gọi là Tri từ chế, Xu mật viện gọi là Tả hữu cơ yếu ty, bề tôi gọi ông là Điện hạ, đổi lệnh thành giáo. Mã Ân bổ nhiệm Diêu Ngạn Chương làm Tả thừa tướng, Hứa Đức Huân làm Hữu thừa tướng, Lý Đạc là Tư đồ, Thôi Dĩnh là Tư không, Thác Bạt Hằng là Bộc xạ, Trương Ngạn Dao và Trương Nghênh là Phán cơ yếu ty. Ông chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc bổ nhiệm các quan lại, ngoài trừ lần ông thượng biểu sau khi bổ nhiệm tiết độ sứ của Vũ Bình (武平, tức Vũ Trinh cũ) và Tĩnh Giang.[3]

Năm 928, Mã Ân khiển Lục quân sứ Viên Thuyên (袁詮), Phó sứ Vương Hoàn (王環), và nhi tử là giám quân Mã Hy Chiêm (馬希瞻) đem thủy quân tiến công Kinh Nam. Sau khi quân Sở đại thắng quân Kinh Nam tại Lưu Lang Phục[chú 54], Cao Quý Hưng lo sợ và trao trả sứ giả Sở được khiển đến Hậu Đường là Sử Quang Hiến (史光憲)- người bị Cao Quý Hưng bắt sau khi ông ta quay sang chống Hậu Đường. Sau đó, khi Mã Ân trách mắng Vương Hoàn về việc không tiếp tục tiến công để diệt Kinh Nam, Vương Hoàn đáp: Giang Lăng nằm giữa Trung triều [tức Hậu Đường], Ngô, và Thục, là đất tứ chiến. Tốt nhất là để nó tồn tại nhằm che chắn cho ta, Mã Ân hiểu ra.[3]

Cũng vào năm 928, Mã Ân phái thủy quân tiến công Phong châu[chú 55] của Hán Đế Lưu Nghiễm. Tuy nhiên, đội quân này chiến bại trước tướng Tô Chương (蘇章) của Nam Hán, và buộc phải triệt thoái.[3]

Cùng năm đó, một vạn thủy quân Ngô dưới quyền chỉ huy của Hữu hùng vũ quân sứ Miêu Lân (苗璘) và Tĩnh Giang thống quân Vương Ngạn Chương (王彥章) tiến công Nhạc châu của Sở. Mã Ân khiển Hứa Đức Huân đem 1.000 chiến hạm đi chống trả. Hứa Đức Huân bí mật khiển Vương Hoàn suất 200 chiến hạm vào ban đêm đến đóng ở Dương Lâm Phổ, chặn đường rút lui của quân Ngô, sau đó tiến công quân Ngô từ hai phía. Quân Sở giành được thắng lợi, Miêu Lân và Vương Ngạn Chương đều bị bắt. Sau đó, để cầu hòa với Ngô, Mã Ân cho đưa cả Miêu Lân và Vương Ngạn Chương về Ngô. Hứa Đức Huân thiết tiệc đưa tiễn, ông ta nay trở nên lo lắng trước việc các nhi tử của Mã Ân tranh giành quyền kế vị, nói với hai người: Sở quốc tuy nhỏ, song cựu thần túc tướng vẫn còn, mong Ngô triều chớ nghĩ đến nữa. Tất đến khi lũ ngựa non tranh máng ăn, sau đó có thể suy tính[3]

Trong khi đó, Cao Quý Hưng quay sang quy phục Ngô, Ngô Đế Dương Phổ tiến tước Tần vương cho Cao Quý Hưng, Hậu Đường Minh Tông hạ chiếu lệnh Mã Ân tiến công Kinh Nam. Mã Ân khiển Hứa Đức Huân đem binh công Kinh Nam, cho Mã Hy Phạm làm giám quân. Khi quân Kinh Nam và quân Sở chạm trán, Cao Tòng Tự (高從嗣) thách Mã Hy Phạm đọ sức một trận duy nhất để phân thắng bại, phó chỉ huy sứ Liệu Khuông Tề (廖匡齊) của Sở đem quân giao chiến và giết chết Cao Tòng Tự. Sau đó, Cao Quý Hưng cầu hòa, Hứa Đức Huân và Mã Hy Phạm rút lui. Tuy nhiên, Sở và Kinh Nam vẫn tiếp tục xảy ra xung đột biên giới trong một thời gian.[3]

Đúng như Hứa Đức Huân nhận định, tại Sở diễn ra cuộc tranh giành quyền kế vị, trưởng tử của Mã Ân là Mã Hy Chấn do chính thất sinh ra, song Mã Ân lại yêu mến thứ tử Mã Hy Thanh- do sủng thiếp là Viên phu nhân sinh ra. Mã Hy Chấn không muốn tranh giành quyền kế vị nên xuất gia làm đạo sĩ.[4] Mùa xuân năm 929, Mã Ân chính thức bổ nhiệm Vũ An tiết độ phó sứ- phán Trường Sa phủ Mã Hy Thanh làm chủ chính sự của Sở. Từ thời điểm đó trở đi, toàn bộ quốc sự đều phải thông qua Mã Hy Thanh trước, sau mới báo cho Mã Ân.[3] Tuy nhiên, Mã Hy Phạm lại trở nên bất mãn với Mã Hy Thanh và Viên phu nhân.[8]

Cuối năm 928, Cao Tòng Hối kế vị cha cai quản Kinh Nam, ông ta quay sang quy phục Hậu Đường Minh Tông thông qua Mã Ân và Sơn Nam Đông đạo[chú 56] tiết độ sứ An Nguyên Tín (安元信) của Hậu Đường.[3]

Sau khi Mã Hy Thanh nắm quyền cai quản quốc gia, ông ta bắt đầu tranh chấp với Cao Úc, nghi ngờ Cao Úc do những lời ly gián trước đây của Hậu Đường Trang Tông và Cao Quý Hưng. Năm 929, do Mã Hy Thanh nhiều lần đề nghị, Mã Ân lệnh cho Cao Úc trí sĩ. Cao Úc thất vọng và nói: "Ta xây gấp phủ ở Tây Sơn để quy lão, chế tử lớn dần và nay có thể cắn người", Mã Hy Thanh tức giận và giả lệnh Mã Ân để sát hại Cao Úc cùng gia tộc. Khi Mã Ân hay tin, ông đấm ngực kêu khóc thảm thiết, song không trừng phạt Mã Hy Thanh.[3]

Tháng 10 ÂL năm Canh Dần, Mã Ân bị bệnh nằm trên giường, khiển sứ sang Hậu Đường xin truyền vị lại cho Mã Hy Thanh. Triều đình Hậu Đường không tin tưởng Mã Hy Thanh, nên ban đầu cho giữ chức Vũ An tiết độ sứ kiêm Thị trung. Ngày Kỷ Tị (10) tháng 11 (2 tháng 12 năm 930), Vương Ân qua đời, di mệnh chư tử phải truyền lại ngôi vị cho huynh đệ, còn để kiếm ở từ đường và nói ai làm trái mệnh sẽ bị giết. Sau đó, Mã Hy Thanh kế vị.[5]